BẢNG PHỐI MÀU GIÚP BẠN TÔ ĐIỂM KHÔNG GIAN SỐNG

Bảng phối màu hay colour wheel là công cụ căn bản và hữu hiệu nhất giúp bạn dễ dàng lựa chọn bảng màu theo ý thích mà vẫn đảm bảo tính hài hoà trong không gian nội thất. Bảng phối màu có hình tròn và 12 màu được chia thành 3 nhóm đặt xen kẽ lẫn nhau. Nhóm màu cơ bản có  3 màu đỏ, vàng và xanh dương, và đồng thời là nhóm màu quan trọng nhất, tạo nên tất cả các màu sắc khác trong bảng màu. Màu cấp độ 2 được tạo từ các màu cơ bản, gồm 3 màu tím, cam và xanh lá. Tiếp đến là màu cấp độ 3, gồm 6 màu được tạo từ các màu căn bản và màu cấp độ 2.

Bước đầu tiên, bạn cần chọn ra màu chủ đạo theo ý thích của mình. Đây là màu sắc chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng thể không gian và chi phối toàn bộ bảng màu. Những màu sắc bổ trợ còn lại có thể được xác định theo các nguyên tắc phối màu dựa trên bảng phối màu sau đây.

Bảng phối màu giúp bạn tô điểm không gian sống
Bảng phối màu giúp bạn tô điểm không gian sống

BẢNG MÀU ĐƠN SẮC (MONOCHROME)

Bảng màu đơn sắc sử dụng duy nhất một màu với nhiều sắc độ đậm nhạt khác nhau. Có thể nói, bảng màu đơn sắc là cách phối màu đơn giản, nhưng lại thể hiện cá tính của gia chủ một cách rõ nét và nổi bật qua tính nhất quán trong việc lựa chọn màu sắc. Về mặt thiết kế, bảng màu đơn sắc dễ tạo cho không gian tính gắn kết và đồng bộ, và có thể được tô điểm thêm bằng những hoạ tiết hoặc hoa văn để tạo thêm nét đặc sắc.

BẢNG MÀU TƯƠNG PHẢN (COMPLEMENTARY)

Màu tưởng phản là cặp màu đối xứng nhau trên bảng phối màu, thường là một màu nóng đi cùng với một màu lạnh. Tuy nhiên, màu chủ đạo vẫn chiếm ưu thế hơn thiết kế và cũng là xuất phát điểm để chọn màu tương phản còn lại. Do tính đối nghịch về màu sắc, thiết kế với bảng màu tương phản luôn bắt mắt, nổi bật và gây được sự chú ý ngay lập tức với những ai bước vào không gian.

Bảng phối màu giúp bạn tô điểm không gian sống
Bảng phối màu giúp bạn tô điểm không gian sống

BẢNG MÀU TƯƠNG PHẢN BỔ SUNG (SPLIT-COMPLEMENTARY)

Đây là một lựa chọn thay thế cho bảng màu tương phản trong trường hợp bạn muốn gia giảm tính tương phản hoặc muốn có nhiều màu sắc hơn trong thiết kế. Với bảng màu tương phản bổ sung, thay vì lựa chọn màu tương phản trực tiếp với màu chủ đạo, bạn sẽ chọn 2 màu cạnh bên màu tương phản. Ví dụ, màu chủ đạo của bạn là màu xanh dương, bạn sẽ dùng màu vàng cam hoặc đỏ cam làm màu bổ trợ thay cho màu tương phản trực tiếp là màu cam.

BẢNG MÀU TAM GIÁC (TRIADIC)

So với bảng màu tương phản và tương phản bổ sung, bảng màu tam giác có tính hài hoà hơn nhưng vẫn mang đầy nét sinh động. Như tên gọi, bạn lấy màu chủ đạo làm khởi điểm và lựa chọn 2 màu bổ trợ theo 2 góc còn lại của hình tam giác cân. Điều này cũng có nghĩa là các màu của bảng màu tam giác luôn rải đều trên bảng phối màu và luôn cách nhau 3 màu.

Bảng phối màu giúp bạn tô điểm không gian sống
Bảng phối màu giúp bạn tô điểm không gian sống

BẢNG MÀU TỨ GIÁC (TETRADIC/SQUARE)

Có hai cách để lập bảng màu tứ giác. Ở cách thứ nhất, bạn lấy màu chủ đạo làm khởi điểm và chọn 3 màu bổ trợ theo 3 góc của hình chữ nhật. Ở cách thứ hai, bạn cũng làm các bước tương tự nhưng thay hình chữ nhật bằng hình vuông. Cách thứ nhất có thể cho phép bạn có nhiều lựa chọn hơn về màu bổ trợ tuỳ theo cách bạn vẽ hình chữ nhật với khởi điểm từ màu chủ đạo. Tuy nhiên, ở cả hai cách, bảng màu tứ giác sẽ luôn có hai cặp màu tương phản–là lựa chọn ưu tiên nếu bạn muốn nhiều màu sắc nổi bật nhưng vẫn quan trọng tính cân đối và hài hoà. Khi sử dụng bảng màu tứ giác, bạn cũng nên lưu ý đến việc cân đối giữa các màu nóng và màu lạnh.

BẢNG MÀU TƯƠNG ĐỒNG (ANALOGOUS)

Bảng màu tương đồng cho phép bạn sử dụng nhiều màu sắc nhưng vẫn không phá đi tính hài hoà và đồng bộ trong thiết kế. Màu sắc trong bảng màu tương đồng là các màu nằm kế nhau trên bảng phối màu. Ngoài ra, bảng màu tương đồng cũng có tính đa dạng cao nhất vì số lượng cũng như cách chọn màu bổ trợ không bị giới hạn, miễn sao tất cả các màu đều nằm sát nhau.