Dù là với dự án xây mới hay cải tạo, khu vực bếp luôn là một trong những không gian phức tạp nhất trong toàn bộ căn nhà. Bếp không đơn thuần là nơi để chuẩn bị bữa ăn, mà còn có thể là không gian tương tác, sinh hoạt và giải trí cùng gia đình, người thân và bạn bè. Theo đó, cách bố trí không gian, sắp xếp hệ thống điện nước và lựa chọn phụ kiện và chất liệu cho căn bếp đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên nhu cầu và lối sinh hoạt của gia chủ. Ngoài các yếu tố công năng, phong cách thiết kế của không gian bếp cũng ngày càng đa dạng hơn – từ việc kết hợp với không gian bar đến không gian mở, hay thậm chí là bếp nối liền với không gian sinh hoạt ngoài trời. Sau đây, ARTIUS xin chia sẻ 5 điều bạn cần lưu ý khi thiết kế để có được một không gian bếp theo ý thích.
1. BỐ TRÍ
Bước cơ bản và vô cùng quan trọng khi thiết kế căn bếp. Khi bố trí không gian bếp, bạn cần phải hình dung các thao tác và quy trình chế biến thực phẩm theo thói quen của mình, cất đặt vật dụng làm bếp sao cho thuận tiện nhất, và đồng thời, hạn chế việc tiếp chạm giữa không gian nóng (bếp, lò) và không gian lạnh (tủ lạnh, tủ đông). Ngoài ra, nếu muốn không gian bếp thoả mãn được những đòi hỏi phức tạp, cao hơn thì có thể kết hợp bếp với quầy bar, đảo bếp, lò nướng bánh. Tuy nhiên, do mỗi thiết bị có một chức năng và không gian tương tác đặc thù nên cần tính toán cẩn thận để không hạn chế các chức năng của thiết bị và làm rối không gian tổng thể.
2. LƯU THÔNG
Ngoài việc bố trí lắp đặt thiết bị và nội thất, lưu thông và đi lại trong không gian bếp là điều cần phải tính toán hợp lý. Về cơ bản, chiều rộng tối thiểu cần cho một người lưu thông trên lối đi là 60cm. Tuy nhiên, bạn chớ quên các phụ kiện và cửa mở có thể ảnh hưởng diện tích lưu thông. Ngoài ra, ở một số khu vực hoạt động chủ yếu như khu vực chế biến, bồn nước hay bếp nấu, bạn cũng nên trừ hao diện tích lưu thông để tránh trường hợp ùn tắt khi có nhiều người sử dụng không gian bếp cùng một lúc.
3. HỆ TỦ
Đối với tủ treo tường, chiều cao thích hợp tính từ đáy tủ là 1,4m và nên cách mặt bàn chừng 50cm đến 60cm. Đặc biệt, ở khu vực bồn rửa chén, tủ treo tường nên thụt vào chừng 30cm so với chiều sâu của mặt bàn để thuận tiện khi sử dụng. Khi thiết kế hệ tủ, bạn nên hình dung trước vị trí mà bạn muốn đặt để các vật dụng như chén đĩa, ly, nồi, gia vị hoặc các thiết bị điện tử, sao cho thuận thiện nhất trong quá trình chế biến thực phẩm. Việc tính trước vị trí để đồ cho phép bạn tiết kiệm diện tích sử dụng, tăng cao sự tiện dụng các thiết bị, đồng thời, thuận lợi cho việc thiết kế các ngăn tủ thông minh ứng với từng loại hình vật dụng.
4. VẬT LIỆU
Ngoài tính thẩm mỹ thì với vật liệu, độ bền và tính chống mòn thường là tiêu chí để lựa chọn vật liệu bếp. Chẳng hạn, nếu sử dụng chất liệu đá cho mặt bếp, bạn nên ưu tiên chọn granite thay vì marble vì granite có độ cứng cao và dễ vệ sinh hơn. Nếu theo phong cách công nghiệp hoặc tối giản thì xi-măng mài là một lựa chọn thay thế tuyệt vời và có độ bền cao. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến vật liệu tường và sàn để đảm bảo tính vệ sinh, độ bền và an toàn khi sử dụng. Kính và gạch men là các vật liệu đang được ưa chuộng để lót tường, đặc biệt là ở khu vực rửa chén và bếp nấu do dễ vệ sinh.
5. ÁNH SÁNG
Trên thực tế, bếp chính là một không gian “làm việc” nghiêm túc – nấu nướng, chế biến tỉ mẩn. Do đó, bạn cần lắp đặt hệ ánh sáng trực tiếp tại khu vực bồn rửa chén và mặt bếp, đặc biệt là những khu vực được sử dụng để cắt và chế biến thực phẩm. Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng ánh sáng nghiêng về tông màu lạnh tại khu vực này để có thể nhìn rõ màu sắc và bề mặt của thực phẩm. Thêm vào đó, sử dụng các loại đèn có tông màu ấm hơn cho các loại đèn môi trường sẽ mang lại cảm giác ấm cúng cho bếp nhà.