CÙNG ARTIUS TÌM HIỂU VỀ PHONG CÁCH TÂN CỔ ĐIỂN

Phong cách Tân cổ điển ra đời vào thế kỷ 18 và rất được ưa chuộng ở tầng lớp thượng lưu tại Châu Âu và một vài nơi trên Châu Mỹ. Lúc bấy giờ, Tân cổ điển là một phong trào mỹ thuật mang tính đối kháng trước những phong cách ‘lão làng’ khác như Rococo hay Baroque – các phong cách khá khoa trương nhằm thể hiện quyền lực và tài sản của chủ nhân. Lấy cảm hứng từ kiến trúc cổ điển lưu lại trong những tàn tích khai quật tại Pompeii và Herculaneum vào những năm 1700, phong cách Tân cổ điển tái hiện sự sang trọng của phong cách cổ điển qua những yếu tố thiết kế tao nhã, khiêm tốn, không khoa trương.

Dù phong cách Tân cổ điển đã cải biến qua nhiều thế kỷ và ngày càng đa dạng về hình thức, nhưng nét đẹp sang trọng, khiêm tốn là đặc tính thẩm mỹ vốn có và tiếp tục thu hút nhiều người đến với phong cách này. Hãy cùng ARTIUS điểm qua những yếu tố thiết kế đặc trưng của phong cách Tân cổ điển nhé.

Màu sắc trong thiết kế nội thất phong cách tân cổ điển
Màu sắc trong thiết kế nội thất phong cách tân cổ điển

MÀU SẮC

Màu sắc chủ đạo trong phong cách Tân cổ điển thường là nhạt và trung tính ­– như trắng, kem, xám hay các màu vàng, xanh dương, xanh lá với sắc thái nhẹ nhàng. Ngoài ra, màu đá tự nhiên cũng rất thích hợp trong phong cách Tân cổ điển, làm nổi bật nét sang trọng không cầu kỳ. Điểm khác biệt giữa các thiết kế Tân cổ điển thường là ở màu sắc trên điểm nhấn. Trong thiết kế, màu đen, đỏ, bạc hay vàng kim được sử dụng để gây ấn tượng về mặt thị giác. Tuy nhiên, phần lớn hoạ tiết trang trí vẫn sử dụng những bảng màu có độ tương phản thấp nhằm giữ nét khiêm tốn đặc trưng của Tân cổ điển.

Nội thất trong thiết kế nội thất phong cách tân cổ điển
Nội thất trong thiết kế nội thất phong cách tân cổ điển

NỘI THẤT

Nội thất trong phong cách Tân cổ điển vô cùng đa dạng. Đây là nơi mà các chủ đầu tư cũng như các nhà thiết kế tự do thể hiện tính cách hoặc sở thích riêng của mình. Từ những ngày đầu đời, thiết kế Tân cổ điển đã vay mượn phong cách Rococo hay Baroque để làm tăng vẻ hoa mỹ trên nền kiến trúc đơn giản, nhẹ nhàng. Tuy nhiên, trong thiết kế Tân cổ điển hiện đại, nội thất đơn giản, mộc mạc làm từ chất liệu gỗ hoặc sắt ngày càng được ưa chuộng hơn – thể hiện sự kết hợp với các xu hướng hiện đại như thiết kế xanh hoặc thiết kế công nghiệp . Tuy nhiên, dù chọn lựa phong cách nội thất nào, nguyên tắc quan trọng đối với phong cách Tân cổ điển là tính cân đối và đồng bộ xuyên suốt trong thiết kế.

TRANG TRÍ

Hoạ tiết cổ điển được đơn giản hoá là yếu tố nhận diện, định hình nên phong cách Tân cổ điển ­– từ cột trụ, cột áp tường đến phù điêu hoa cỏ hay hoạ tiết hình học. Tuy nhiên, trong thiết kế  đôi lúc các hoạ tiết cầu kỳ của phong cách Rococo hay Baroque cũng được sử dụng để tạo điểm nhấn. Ngoài hoạ tiết trang trí trên các mảng tường và trần nhà, các vật trang trí như đèn chùm, tượng hay các món đồ sành sứ là những thứ không thể thiếu. Ở đây, gia chủ cũng có thể trang trí bằng những món đồ mang phong cách Á Đông hoặc bất kỳ phong cách nào yêu thích để thể hiện nét riêng biệt cá nhân. Dù vậy, các vật trang trí này nên được chọn lựa và sắp đặt cẩn thận, tránh tạo ra xung đột về phong cách hoặc quá nhiều điểm nhấn trong thiết kế, làm mất đi nét đẹp sang trọng, không khoa trương của phong cách Tân cổ điển.

Trang trí trong thiết kế nội thất phong cách tân cổ điển
Trang trí trong thiết kế nội thất phong cách tân cổ điển

XU HƯỚNG MỚI

Trong thiết kế Tân cổ điện hiện nay, giấy dán tường damask có hoạ tiết hoa thanh lịch theo phong cách Châu Âu thường được sử dụng thay cho các mảng tường sơn nước đơn giản. Ngoài ra, đèn LED âm trần và đèn LED dây đánh sáng cũng được sử dụng thường xuyên để tạo cân bằng về độ sáng. Các yếu tố này thường làm tăng mức độ phức tạp và vẻ cầu kỳ trong thiết kế nội thất, đem lại một  phong thái khác với ước lệ của Tân cổ điển truyền thống, nhưng vẫn giữ được nét sang trọng, thanh lịch của phong cách này.