Khi nói đến chất lượng giáo dục, chúng ta thường nghĩ ngay đến giáo trình hay năng lực truyền đạt của người dạy. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những yếu tố môi trường tác động lên giác quan cũng có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực lên quá trình tiếp thu của người học. Ngoài màu sắc và hoa văn vốn ảnh hưởng trực tiếp lên thị giác ra, thì điều kiện ánh sáng, âm thanh, nhiệt độ và chất lượng không khí cũng có thể tác động đến khả năng tiếp thu của học sinh và cần được cân nhắc kỹ lưỡng khi thiết kế không gian trường học. Sau đây, ARTIUS xin chia sẻ một vài gợi ý giúp cải thiện chất lượng học tập và trải nghiệm của học sinh thông qua thiết kế nội thất.
GIA TĂNG LƯỢNG ÁNH SÁNG TỰ NHIÊN.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, học tập trong môi trường có nhiều ánh sáng tự nhiên có tác động đáng kể về mặt tinh thần, sự tập trung và khả năng tiếp thu của học sinh. Do đó, các phòng học nên được bố trí nhiều cửa sổ để đón lượng ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài và đồng thời trang bị các loại màn hoặc rèm cửa phù hợp để điều chỉnh lượng ánh sáng khi cần thiết. Trong trường hợp có các hạn chế về kiến trúc sẵn có của toà nhà, có thể cân nhắc thay thế đèn huỳnh quang bằng các loại đèn LED có tông vàng ấm để mô phỏng ánh sáng tự nhiên.
BỐ TRÍ BÀN GHẾ PHÙ HỢP.
Khi bố trí bàn ghế, các nhà thiết kế phải bắt đầu bằng công năng và các loại hoạt động chính trong không gian học tập đó. Trong khi một số không gian sẽ thích hợp để bố trí theo phong cách truyền thống với những dãy ghế học sinh hướng thẳng về phía bục giảng, thì ở những khu vực khác sẽ phù hợp hơn nếu bố trí bàn ghế theo từng cụm tạo thuận lợi và độ linh hoạt cho hoạt động nhóm. Thậm chí, ở một số lớp học cần kết hợp nhiều cách bố trí đa dạng và bàn ghế cần được thiết kế theo hướng đa năng, cơ động, dễ di chuyển tuỳ theo yêu cầu của người dạy. Theo đó, việc bố trí bàn ghế sẽ dựa trên các yếu tố như môn học, phương pháp truyền thụ, tổ chức bài học và các hoạt động tương thích với nhóm tuổi của người học.
ẢNH HƯỞNG CỦA MÀU SẮC.
Màu sắc sử dụng trong thiết kế không gian có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và trạng thái tâm lý do tác động trực tiếp của màu lên thị giác. Khi chọn lựa màu sắc cho không gian trường học, cần chú tâm đến hiệu ứng tâm lý ở từng không gian và sự phù hợp với độ tuổi của người học. Thông thường, các gam màu nóng sẽ tốt hơn cho nhóm học sinh nhỏ tuổi, giúp thúc đẩy năng lượng và gây cảm giác hứng khởi ở các bé. Ngược lại, với nhóm học sinh hoặc sinh viên ở độ tuổi lớn hơn, gam màu lạnh sẽ giúp tạo cảm giác thư giãn và giảm thiểu căng thẳng. Tuy nhiên, điều quan trọng là khi sử dụng màu sắc trong thiết kế cần có sự hài hoà và cân bằng giữa các gam màu nóng và lạnh.
DÀNH KHÔNG GIAN ĐỂ GHI NHẬN THÀNH QUẢ CỦA NGƯỜI HỌC.
Nhiều giáo viên, đặc biệt là ở cấp mẫu giáo lên đến cấp 1, thường trưng bày tác phẩm của học sinh lên tường lớp học hoặc dọc hành lang. Đây là một cách thức khá hữu hiệu để ngợi khen thành quả và công sức của học sinh, giúp thúc đẩy nỗ lực và tinh thần học tập ở người khác. Thêm nữa, thầy cô giáo cũng có thể cho phép học sinh tham gia vào việc trang trí không gian học tập chung. Việc này không chỉ giúp các em có cảm giác gần gũi và thân thiện hơn với không gian học tập của mình mà còn tạo điều kiện để các bạn hình thành nên tinh thần cộng đồng và có trách nhiệm.
CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN MÔI TRƯỜNG.
Điều kiện môi trường có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học tập của người học. Không khí có mùi hôi hoặc nhiều khói bụi sẽ tạo cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến cả chất lượng giảng dạy của người thầy. Tiếng ồn từ môi trường bên ngoài không chỉ dễ gây xao nhãng mà còn làm giảm thiểu khả năng ghi nhớ kiến thức mới của người học nữa. Ngoài ra, nhiệt độ trong phòng học cũng là một yếu tố môi trường cần được cân nhắc. Thông thường, nhiệt độ tối ưu nhất cho không gian học tập là từ 20ºC đến 25ºC.