LÀM THẾ NÀO ĐỂ KẾT NỐI THƯƠNG HIỆU VÀ KHÔNG GIAN NỘI THẤT?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ KẾT NỐI THƯƠNG HIỆU VÀ KHÔNG GIAN NỘI THẤT?

Trước tiên, bạn có thể thử đánh giá độ tương thích giữa thương hiệu và không gian của bạn bằng một phép đơn giản: những từ ngữ bạn dùng để diễn tả không gian có trùng khớp với những từ ngữ diễn tả thương hiệu hay những sản phẩm, dịch vụ của bạn? Việc thể hiện giá trị thương hiệu trong không gian nội thất không chỉ giúp khách hàng hiểu rõ hơn về những giá trị tạo nên sự độc đáo của doanh nghiệp mà còn giúp để lại ấn tượng lâu dài cho khách hàng. Bạn có thể tham khảo một vài lưu ý sau đây để tăng tính hiệu quả trong việc truyền tải hình ảnh và giá trị thương hiệu ở không gian ba chiều, có thể là cửa hàng, văn phòng, phòng khám, hay bất kỳ không gian tương tác với khách hàng nào.

Kết nối thương hiệu và không gian nội thất
Kết nối thương hiệu và không gian nội thất

PHỐI HỢP VÀ LÊN KẾ HOẠCH:

Ngay từ thời điểm ban đầu, khi các ý tưởng còn đang được hình thành, bạn nên tạo điều kiện để phối hợp giữa các đơn vị liên quan như agency, kiến trúc sư, thiết kế nội thất, v.v. Nếu bạn đã nắm rõ việc định hình thương hiệu và những giá trị bạn muốn thể hiện, hãy tìm một đối tác thiết kế nội thất chuyên nghiệp nhưng phải khá am tường về tầm quan trọng của giá trị thương hiệu. Điều này sẽ góp phần xây dựng ý tưởng một cách chặt chẽ và đảm bảo rằng các giá trị thương hiệu luôn được thể hiện một cách nhất quán trong không gian của bạn.

Kết nối thương hiệu và không gian nội thất
Kết nối thương hiệu và không gian nội thất

NGÂN SÁCH:

Cùng với những yêu cầu và mong muốn cho dự án, bạn hãy nêu ra mức ngân sách cụ thể khi làm việc với đơn vị đối tác. Trên thực tế, trong thiết kế và thi công nội thất có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến chi phí đầu tư. Do đó, việc đưa ra yêu cầu và ngân sách ở thời điểm ban đầu sẽ giúp bạn và đơn vị đối tác biết được những yếu tố nào cần được ưu tiên để thể hiện thương hiệu một cách hiệu quả nhất trong mức cho phép.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI:

Đây là những trụ cột chính cho thương hiệu của bạn – những giá trị mà doanh nghiệp theo đuổi, ở chất lượng sản phẩm, trong phong cách phục vụ hay tương tác. Những giá trị này không đơn thuần là những cụm từ mô tả doanh nghiệp của bạn, mà còn là nền tảng để phát triển ý tưởng thiết kế. Do đó, ngoài những yêu cầu và đòi hỏi về mặt thẩm mỹ, đơn vị thiết kế của bạn cần hiểu rõ các giá trị cốt lõi mà bạn muốn truyền tải.

MOODBOARD:

Moodboard hay bảng cảm xúc, là một công cụ quen thuộc trong lĩnh vực thiết kế. Nói đơn giản, đây là bảng tổng hợp những hình ảnh, màu sắc, trích ngôn, phông chữ, v.v. gợi lên những cảm xúc mà bạn muốn có trong thiết kế. Trong trường hợp này, moodboard là công cụ đắc lực giúp bạn thể hiện bằng thị giác những cảm xúc và giá trị tinh thần của thương hiệu. Thông qua moodboard, bản thân bạn và nhà cung cấp có thể hiểu rõ hơn và dễ dàng thống nhất hướng thiết kế chung nhất cho các loại hình không gian.

Kết nối thương hiệu và không gian nội thất
Kết nối thương hiệu và không gian nội thất

BỐ TRÍ MẶT BẰNG:

Khi ý tưởng và định hướng thiết kế đã được thống nhất, bạn có thể bắt đầu bố trí mặt bằng không gian. Ở giai đoạn này, bạn cần chú trọng đến luồng giao thông trong và giữa các khu vực để tạo sự thoải mái khi sử dụng không gian. Với một bảng vẽ mặt bằng chi tiết, bạn có thể dễ dàng quyết định loại và kích cỡ nội thất phù hợp. Ngoài ra, trên bảng vẽ mặt bằng, bạn cũng biết được khu vực nào phù hợp để tạo điểm nhấn.

THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU CHỈNH BỔ SUNG:

Trong quá trình thực hiện thi công, bạn nên thường xuyên kiểm tra bảng vẽ mặt bằng và mood board để đảm bảo rằng sản phẩm sau cùng sẽ truyền tải được giá trị thương hiệu như mong đợi. Bạn có thể sử dụng phép thử đã nêu: Có thể dùng những từ để mô tả thương hiệu (những giá trị cốt lõi) để mô tả không gian của bạn không? Nếu câu trả lời là “có” và ngân sách của bạn vẫn cho phép, đừng ngần ngại đầu tư bổ sung những hạng mục không được ưu tiên mà bạn đã phải bỏ qua ở thời điểm ban đầu.