LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÂNG CAO TRẢI NGHIỆM KHÁCH HÀNG TRONG CỬA HÀNG CỦA BẠN?

Trải nghiệm khách hàng là yếu tố vô cùng quan trọng, cần được cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình thiết kế không gian thương mại. Trải nghiệm tốt sẽ giúp kích thích nhu cầu mua sắm ở khách hàng và thôi thúc họ quay trở lại. Sau đây, ARTIUS xin chia sẻ một vài lưu ý nhằm giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng trong không gian cửa hàng của bạn.

Đây là bài viết thứ hai trong loạt 2 bài viết về những lưu ý khi thiết kế cửa hàng. Bạn có thể tham khảo bài viết thứ nhất tại đây: https://artius.vn/lam-the-nao-de-nang-cao-trai-nghiem-khach-hang-trong-cua-hang-cua-ban/.

(6) KÍCH THÍCH CÁC GIÁC QUAN

Thị giác là yếu tố khá hiển nhiên khi bạn muốn tạo sự chú ý ở khách hàng và kích thích hành vi mua sắm. Tuy nhiên, những giác quan ít được lưu tâm hơn như khứu giác, thính giác và xúc giác cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng trải nghiệm khách hàng. Để tạo một “chiêu thức riêng” giữ chân khách trong không gian cửa hàng, bạn cần phải lưu ý tất cả những yếu tố trên.

Không gian trưng bày sử dụng âm thanh kích thích giác quan
Không gian trưng bày sử dụng âm thanh kích thích giác quan

Về âm thanh, trước hết bạn hãy xác định trước bầu không khí mà bạn muốn tạo ra trong không gian cửa hàng và lựa chọn loại nhạc phù hợp để làm tăng cảm xúc. Âm lượng và nhịp điệu ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi. Ví dụ, loại nhạc chơi với âm lượng lớn có thể rất phù hợp với nhóm khách hàng trẻ tuổi, nhưng với những khách hàng trưởng thành hơn, loại nhạc nhẹ nhàng sẽ giúp mang lại cảm giác thư giãn, dễ chịu.

Điều tối kỵ trong không gian cửa hàng là mùi hôi, đặc biệt là với các cửa hàng thực phẩm. Những cửa hàng nội thất có thể sử dụng hương gỗ để tạo cảm giác ấm cúng. Với cửa hàng mỹ phẩm, bạn có thể tận dụng mùi hương của những sản phẩm đặc trưng để tạo ấn tượng lên ký ức khách hàng hoặc là những mùi hoa để gợi lên cảm giác thiên nhiên.

Về trải nghiệm xúc giác, đơn vị tiên phong có lẽ không ai khác hơn là Apple. Đến với cửa hàng Apple, khách hàng có thể thoải mái tiếp chạm những mặt hàng công nghệ từ điện thoại đến máy tính xách tay. Trải nghiệm kiểu loại này giúp khách hàng có nhiều cảm hứng hơn với món hàng họ đang quan tâm, khiến họ dễ  đưa ra quyết định mua hàng. Hiển nhiên, bạn không cần phải là một cửa hàng công nghệ bật nhất để mang trải nghiệm này đến với khách hàng.

Không gian trưng bày sắp xếp các sản phẩm có mối liên kết gần nhau
Không gian trưng bày sắp xếp các sản phẩm có mối liên kết gần nhau

(7) ĐỪNG QUÊN SẮP XẾP CÁC SẢN PHẨM CÓ MỐI LIÊN HỆ GẦN NHAU (CROSS-MERCHANDISING)

Sắp xếp và phân nhóm các sản phẩm theo loại là một lựa chọn tốt và khá an toàn. Tuy nhiên, đặt các sản phẩm có mối quan hệ gần nhau trong cùng một khu vực sẽ kích thích nhu cầu của khách hàng mà họ khó nhận ra là mình có, từ đó, kích thích hành vi mua hàng ngoài dự kiến. Thử hình dung về thói quen mua sắm,  nếu khách hàng muốn mua một bộ chén đĩa nhất định, thì trong cửa hàng của bạn có những sản phẩm nào thích hợp để đi cùng với bộ chén đĩa này không? Bày biện sản phẩm có mối liên hệ gần nhau sẽ khiến quyết định mua hàng diễn ra nhanh chóng vì khách hàng sẽ không mất thời gian di chuyển và tìm kiếm quanh cửa hàng.  Với cửa hàng có diện tích hạn chế, bạn có thể kết hợp sử dụng cách sắp xếp này ở khu vực trưng bày sản phẩm mới hoặc sản phẩm nổi bật.

(8) CÂN NHẮC VỊ TRÍ CỦA NHÂN VIÊN

Trong quá trình thiết kế bố trí cửa hàng, bạn cần xác định vị trí thích hợp của nhân viên bán hàng. Đây là yếu tố mà các chủ cửa hàng thường bỏ qua, nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh và khả năng thu hút của cửa hàng. Để góp phần tạo sinh khí cho cửa hàng và kích thích nhu cầu mua sắm, bạn nên chỉ định một vài vị trí trong cửa hàng để nhân viên có thể di chuyển thay vì chỉ cố định ở quầy thu ngân.  Vào một cửa hàng, khách hàng sẽ bị thu hút hơn khi thấy có người đi lại.

Không gian trưng bày tạo lối lưu thông cho nhân viên và khách hàng
Không gian trưng bày tạo lối lưu thông cho nhân viên và khách hàng